GIẢI QUYẾT NỢ CHUNG NHƯ THẾ NÀO KHI LY HÔN?

Vấn đề con chung, tài sản chung và nợ chung là những vấn đề luôn được đề cập khi ly hôn. Bên cạnh quyền được hưởng tài sản chung sau khi phân chia thì nghĩa vụ trả nợ chung thường xảy ra những mâu thuẫn và tranh chấp. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, Pháp Luật Toàn Dân xin đưa ra những phân tích và các cách để giải quyết nợ chung khi ly hôn.

Nợ chung không được định nghĩa cụ thể theo quy định của pháp luật, nhưng nó được hiểu là khoản nợ mà cả hai vợ chồng cùng tạo ra hoặc trường hợp vợ hoặc chồng tạo ra nhưng cả hai có nghĩa vụ cùng phải trả. Theo quy định tại Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 (HN&GĐ), quy định về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng như sau:

“1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

Sau khi ly hôn, nghĩa vụ trả nợ chung của hai vợ chồng vẫn tiếp tục đến khi giải quyết hết hoàn toàn nợ chung đó. Nhằm bảo vệ quyền lợi đối với người thứ ba khi ly hôn, tại Điều 60 Luật HN&GĐ quy định: Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác. Vợ, chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện nhưng vì mục đích chung, nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho gia đình hay những giao dịch khác phù hợp theo quy định của pháp luật về đại diện.

Hai vợ chồng có thể thỏa thuận về việc trả nợ như mỗi người sẽ trả một nửa số nợ hoặc có sự chênh lệch tùy vào khả năng kinh tế của mỗi người. Tốt nhất là việc thỏa thuận này nên lập thành văn bản, có chứng thực hoặc lập vi bằng để đảm bảo hiệu lực pháp lý của thỏa thuận cũng như đảm bảo về việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ sau này của các bên.

Nếu không thỏa thuận được, các bên có thể yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về nợ chung. Khi đó, các bên bắt buộc phải thực hiện theo đúng quyết định của Tòa án.

PHÁP LUẬT TOÀN DÂN _ TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ
Hotline/zalo: 0909 36 47 49 Địa chỉ trụ sở chính: 47-49 Lam Sơn, P.2, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
Văn phòng đại diện: 9D6 đường DN3, KDC An Sương, P. Tân Hưng Thuận, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh.
Website: phapluattoandan.com
Mail: info@phapluattoandan.com