HỢP ĐỒNG TẶNG CHO TÀI SẢN

Việc tặng cho tài sản được diễn ra rất phổ biến, được gọi chung là giao dịch tặng cho tài sản. Được thực hiện thông qua lời nói, hành động tặng cho hoặc được ghi nhận thông qua hợp đồng tặng cho. Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận của các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận (Điều 457 Bộ luật dân sự 2015).

Đặc trưng của hợp đồng tặng cho tài sản là tính không đền bù. Đặc điểm này được thể hiện ở việc một bên chuyển giao tài sản và quyền sở hữu tài sản cho bên được tặng cho còn bên được tặng cho không có nghĩa vụ trả lại cho bên tặng cho bất kỳ lợi ích nào. Bên cạnh đó, hợp đồng tặng cho là hợp đồng thực tế, dù hai bên đã có thỏa thuận cụ thể về đối tượng tặng cho (là tiền hoặc tài sản), điều kiện và thời gian giao tài sản tặng cho nhưng nếu chưa xảy ra việc tặng cho, tức là chưa giao tài sản cho bên được tặng cho thì hợp đồng tặng cho này chưa được xác lập; từ đó chưa phát sinh quyền của các bên. Đối với hợp đồng tặng cho, các bên không có quyền yêu cầu bên còn lại thực hiện hợp đồng. Bên được tặng cho sẽ không có quyền yêu cầu bên tặng cho giao tài sản, do vậy mọi thỏa thuận chưa có hiệu lực khi chưa giao tài sản. Nên việc hứa tặng sẽ không làm phát sinh hiệu lực hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản.

Tài sản ở đây có thể là động sản hoặc bất động sản. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản phụ thuộc vào loại tài sản được tặng cho.

  • Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực khi bên được tặng cho nhận tài sản; đối với động sản mà pháp luật có quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
  • Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.
  • Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.

Hoạt động tặng cho tài sản được diễn ra rất nhiều hiện nay, trong đó việc tặng cho bất động sản phổ biến khi tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Vì vậy, mỗi cá nhân cần lưu ý về những trường hợp tặng cho tài sản, đối tượng tặng cho là động sản hay bất động sản để từ đó thực hiện đúng về mặt hình thức của hợp đồng và nắm được thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng cho tài sản.

0 0 votes
Article Rating