LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG TRONG NƯỚC – TÀI SẢN CHUNG, NỢ CHUNG

Hiểu đơn giản thì tài sản chung vợ chồng là tài sản được hình thành trong thời kỳ hôn nhân và tài sản mà vợ chồng có thỏa thuận là tài sản chung. Vậy tài sản nào là tài sản riêng? Đó là những tài sản được hình thành trước thời ky hôn nhân của vợ/chồng, tài sản vợ/chồng được tặng cho/thừa kế riêng, và những hoa lợi, hoa tức phát sinh từ tài sản riêng cũng được xem là của riêng vợ chồng.

Hiểu đơn giản là vậy nhưng vấn đề xác định trên thực tế có rất nhiều khó khăn. Khi phát sinh tranh chấp về tài sản chung vợ chồng thì cũng tương tự tranh chấp dân sự về tài sản, nhưng khó hơn là các bên tranh chấp lại từng là những người thương của nhau, nên sẽ có một cái riêng gì đó vô hình trong quá trình giải quyết tranh chấp. Thông thường nếu tài sản không phức tạp và có khả năng tự phân chia thì Tòa lúc nào cũng khuyến khích các bên tự thỏa thuận, vì việc này sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí khi đưa vào vụ việc và yêu cầu Tòa giải quyết, hơn nữa khi 02 bên đã đồng thuận ly hôn và mong muốn độc thân trên mặt pháp luật để thuận tiện hơn trong các giao dịch dân sự hoặc hơn thế nữa là kết hôn lần 02 thì việc tách bạch giữa ly hôn và chia tài sản là điều nên làm, để vụ việc ly hôn được sớm giải quyết hơn khi gộp chung vào.

Ở những quốc gia phát triển trên Thế giới nhất là phương Tây thì hình thức hợp đồng tiền (trước) hôn nhân khá được chuộng, vì họ tin rằng không gì là mãi mãi, không gì là không thể xảy ra. Nên việc các bên thỏa thuận trước và được ghi nhận lại vào hợp đồng là điều khá phổ biến. Thiết nghĩ hôn nhân là vấn đề về tình cảm, hai người yêu nhau và tự nguyên đến với nhau, cùng nhau xây dựng gia đình cũng trên cơ sở tình cảm, vậy thì hà cớ gì phải để tài sản (những vật ngoài thân) ảnh hưởng đến tình cảm? Chi phối tình cảm, cuộc sống gia đình. Trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện hành thì cũng có điều khoản quy định về việc phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, nghĩa là việc phân chia tài sản được thực hiện khi hai bên vợ chồng chưa phát sinh ly hôn, vấn đề này thì hẹp hơn so với hợp đồng tiền hôn nhân, vì hợp đồng tiền hôn nhân thì các bên có thể thỏa thuận rộng hơn về các vấn đề khác, tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam – một quốc gia phương Đông – duy tình cảm, thì việc thỏa thuận này chưa phổ biến nếu không muốn nói là hầu như không, vì chỉ khi có phát sinh vấn đề liên quan thì các bên mới chủ động thỏa thuận, ngược lại thì không.

Hiện tại thì Luật cũng chưa có quy định rõ về vấn đề nợ chung, tuy nhiên, nợ chung được hiểu là nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân và mục đích của việc vay nợ này cũng phải phục vụ cho mục đích sinh hoạt chung của gia đình, thì mới phát sinh nghĩa vụ liên đới trả nợ của vợ chồng. Một ví dụ khá phổ biến ở nước ta hiện nay là vợ/chồng thường đứng ra vay nợ ngân hàng để giúp người thân trong gia đình mình, theo quy định của ngân hàng thì khi ký vay thì vợ/chồng của bên vay cũng phải ký và chịu trách nhiệm liên đới, nhưng thực tế tiền đó lại dùng cho mục đích là giúp đỡ anh/chị/em ruột hay họ hàng bên vợ/chồng, đối với những người vợ/chồng lý tính sẽ từ chối ngay việc này để giảm thiểu rủi ro về sau, tuy có thể chứng minh nhưng lúc đó liệu có nhận được sự giúp đỡ từ gia đình vợ/chồng để làm chứng mục đích sử dụng tiền? Sẽ rất khó khăn.

⇒ Vấn đề tài sản chung và nợ chung trong thời ky hôn nhân là vấn đề còn phiền hơn cả tranh chấp dân sự thông thường về tài sản, vì ở đây xen lẫn giữa tình cảm vợ chồng và quyền lợi cá nhân về tài sản. Khi thương thì sao cũng được, lúc cạn tình thì gì cũng cạn. Vì vậy, mong các cặp đôi đã yêu thương nhau và tiến tới hôn nhân thì nên tôn trọng nhau về vấn đề sở hữu tài sản, nên rõ ràng ngay từ đầu, không bằng hợp đồng giấy thì bằng hợp đồng miệng và thực thi bằng hành động để tình cảm vợ chồng gắn kết hơn, không bị chi phối bởi yếu tố vật chất (đương nhiên những cặp đôi đến với nhau vì lợi ích vật chất thì không cần quan tâm bài viết này).