Gần đây, nhiều doanh nghiệp đau đầu khi phải nhận những cuộc gọi không biết từ nơi đâu tới, xưng danh là nhân viên của các cơ quan BHXH, thuế,…. đặc biệt, những đối tượng này chọn rất đúng thời điểm để chào bán tài liệu, họ thường gọi sau khi các cơ quan BHXH, thuế, … tổ chức tập huấn hoặc vào thời điểm cuối năm khi hầu hết Doanh nghiệp bận rộn với các quyết toán thuế, báo cáo tài chính mà họ không có thời gian để xác minh được tính cần thiết của các tài liệu đó.
Chị Hoa – nhân viên nhân sự công ty X gửi đến Pháp Luật Toàn Dân thắc mắc sau: “Sau khi tôi dự buổi tập huấn nghiệp vụ BHXH tại quận Tân Bình, có người xưng là nhân viên bên BHXH quận Tân Bình chào bán các tài liệu như: Luật BHXH, BLLĐ và các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật BHXH, BLLĐ với giá 350.000 đồng, nhân viên đó nói là luật mới sửa đổi, bổ sung nên doanh nghiệp cần cập nhật để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Công ty chị có thể nhận tài liệu qua bưu điện hoặc nhận trực tiếp. Mặc dù tôi đã từ chối nhiều lần nhưng người đó vẫn cứ chào mời, tôi phải làm sao?”
Theo tác giả, dù ít hay nhiều những việc làm này cũng đã gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội. Với hành vi trên, người gọi điện chào bán tài liệu đã dùng thủ đoạn gian dối bằng cách lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để thực hiện “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điều 174 BLHS 2015 (sđ, bs 2017), cụ thể về hành vi phạm tội này điểm đ khoản 2 điều này quy định “người nào lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm” .
Như vậy, pháp luật Việt Nam vẫn có quy định điều chỉnh những hành vi giả danh nhân viên nhà nước hòng chiếm đoạt tài sản của người khác và những hành vi này sẽ bị truy cứu Trách nhiệm hình sự theo điểm đ khoản 2 điều 174 BLHS 2015 (sđ, bs 2017) với mức hình phạt cao nhất lên tới 07 năm tù.
Ngoài ra, trên thực tế còn có một số trường hợp giả danh công an hình sự gọi điện cho người dân, yêu cầu người dân chuyển tiền xác minh mình không phải là tội phạm, với lý do là người đó đang bị điều tra về việc có liên quan đến tội đưa hối lộ, nếu muốn chứng tỏ mình trong sạch thì phải chuyển tiền để xác minh rồi họ sẽ trả tiền lại.
Khi gặp những tình huống tương tự, chúng ta phải:
- Bình tĩnh nhận định vấn đề và phải luôn tin vào bản thân mình vì chúng ta chỉ phạm pháp khi và chỉ khi có giấy thông báo hoặc triệu tập của cơ quan chức năng có thẩm quyền về hành vi sai trái của chúng ta;
- Hết sức cảnh giác, lưu lại thông tin và trình báo với cơ quan công an địa phương để họ kịp thời ngăn chặn và truy cứu TNHS đối với những đối tượng nêu trên theo điểm đ khoản 2 điều 174 BLHS 2015 (sđ, bs 2017);
Đồng thời, mỗi người chúng ta nên thường xuyên tìm hiểu và trao dồi kiến thức pháp luật để luôn tỉnh táo trước hành vi lợi dụng lòng tin người dân để thực hiện tội phạm của các đối tượng xấu.
Bạn cần tư vấn về vấn đề gì?