Hòa giải đã và đang là một chế định đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống dựa trên nguyên tắc thỏa thuận giữa các đường sự nhằm ngăn ngừa các tranh chấp phát sinh trong tương lai, giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử, tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan.
Về thủ tục nộp đơn công nhận hòa giải thành ngoài Tòa án:
- Nộp đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án
Người có yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có thể lựa chọn hình thức nộp trực tiếp tại Tòa án hoặc qua bưu điện hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Sau khi nhận tiếp nhận đơn thì Tòa án phải ghi vào sổ nhận đơn.
Đơn yêu cầu được quy định tại điểm a Khoản 3.1 Công văn Số 1503/BTP-PBGDPL gồm các nội dung chủ yếu sau:
– Ngày, tháng, năm làm đơn;
– Tên Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở;
– Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người yêu cầu;
– Tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc nội dung thỏa thuận hòa giải thành ở cơ sở (nếu có);
– Tên, địa chỉ của Hòa giải viên, tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải;
– Các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu của mình;
– Người yêu cầu là cá nhân phải ký tên hoặc điểm chỉ, nếu là cơ quan, tổ chức thì đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó phải ký tên và đóng dấu vào phần cuối đơn; trường hợp tổ chức yêu cầu là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu được thực hiện theo quy định của Luật doanh nghiệp.
- Nộp lệ phí
Sau khi tiếp nhận đơn yêu cầu, nếu đủ điều kiện thụ lý thẩm phán phải ra thông báo về việc nộp lệ phí. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người có yêu cầu phải tiến hành việc nộp lệ phí, trừ trường hợp người có yêu cầu là người được miễn hoặc không phải nộp theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí được quy định tại Điều 11, 12 của Nghị định 326/2016/UBTVQH14
- Tòa án thụ lý đơn yêu cầu
Khi người yêu cầu nộp biên lai thu tiền lệ phí đến Tòa án, Tòa án sẽ thụ lý đơn. Trường hợp người yêu cầu được miễn hoặc không phải nộp lệ phí thì Thẩm phán thụ lý kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu. Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc
- Thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu, Tòa án phải thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến việc xét đơn yêu cầu, cho Viện kiểm sát cùng cấp về việc Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu.
- Phiên họp xét đơn yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành
Thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý; hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp. Thời hạn mở phiên họp xét đơn yêu cầu là 10 ngày kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở phiên họp.
- Ra quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành
Thẩm phán ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án khi có đủ các điều kiện được quy định tại Điều 417 Bộ luật tố tụng dân sự.
Thẩm phán ra quyết định không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án đối với trường hợp không có đủ các điều kiện quy định tại Điều 417 của Bộ luật này.
Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Ngoài ra việc không công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ngoài Tòa án.
Bạn cần tư vấn về vấn đề gì?