Chứng thực dấu vân tay thực hiện như thế nào?

Chứng thực là việc cơ quan có thẩm quyền xác nhận tính chính xác, hợp pháp của các giấy tờ, văn bản, chữ ký của các nhân, thông tin cá nhân. Bên cạnh chữ ký, trong nhiều văn bản, giấy tờ thường xuất hiện dấu vân tay điểm chỉ. Vậy trường hợp nào phải sử dụng dấu vân tay? Chứng thực dấu vân tay là gì? Trình tự, thủ tục để thực hiện việc chứng thực điểm chỉ như thế nào?

1. Chứng thực dấu vân tay là gì?

Căn cứ Nghị định 23/2015/NĐ-CP, có ba hình thức chứng thực là chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Do đó, không có khái niệm và quy định về chứng thực dấu vân tay. Tuy nhiên, trong văn bản, hợp đồng, người yêu cầu có thể sử dụng dấu vân tay thay cho chữ ký trong hợp đồng, giao dịch, giấy tờ, văn bản.

Trong đó, định nghĩa của ba hình thức chứng thực này được quy định chi tiết tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 2 Nghị định 23/2015/NĐ-CP như sau:
2. “Chứng thực bản sao từ bản chính” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính.

3. “Chứng thực chữ ký” là việc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản là chữ ký của người yêu cầu chứng thực.

4. “Chứng thực hợp đồng, giao dịch” là việc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Nghị định này chứng thực về thời gian, địa điểm giao kết hợp đồng, giao dịch; năng lực hành vi dân sự, ý chí tự nguyện, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.

Do đó, có thể hiểu chứng thực dấu vân tay là việc cơ quan có thẩm quyền thực hiện chứng thực dấu vân tay của người yêu cầu trong văn bản, giấy tờ, hợp đồng là của chính người lăn tay điểm chỉ.

2. Thủ tục chứng thực dấu vân tay

Do chứng thực dấu vân tay là chứng thực hợp đồng, giao dịch được nêu tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP nên thủ tục chứng thực này được hướng dẫn như sau:

2.1 Trường hợp sử dụng dấu vân tay trong giấy tờ, hợp đồng

Dấu vân tay được thực hiện chứng thực trong các trường hợp nêu tại Điều 34 Nghị định 23/2015/NĐ-CP gồm:
– Pháp luật quy định hợp đồng, giao dịch phải chứng thực: Ví dụ như hợp đồng tặng cho/chuyển nhượng/mua bán bất động sản, di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc không biết chữ…

– Cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu chứng thực mặc dù pháp luật không quy định hợp đồng, giao dịch đó phải chứng thực.

2.2 Giấy tờ cần chuẩn bị khi chứng thực dấu vân tay

Khi chứng thực hợp đồng, giao dịch, người yêu cầu cần phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ sau đây:

– Hợp đồng, giao dịch dự định sẽ chứng thực (dự thảo trước nội dung).

– Giấy tờ về nhân thân của người yêu cầu: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn.

– Giấy tờ về tài sản: Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc bản sao thay thế hợp pháp…

Lưu ý: Các loại giấy tờ trừ dự thảo hợp đồng, giao dịch có thể nộp bản sao nhưng phải xuất trình kèm bản chính để người có thẩm quyền đối chiếu.

2.3 Cơ quan thực hiện chứng thực

– Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản.

– Uỷ ban nhân dân cấp xã chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là động sản, thực hiện quyền của người sử dụng đất, về nhà ở; di chúc; văn bản từ chối nhận di sản; văn bản thoả thuận phân chia di sản/văn bản khai nhận di sản mà tài sản là động sản, thực hiện quyền của người sử dụng đất, nhà ở…

2.4 Trình tự chứng thực dấu vân tay

Thủ tục chứng thực hợp đồng, giao dịch trong đó có chứng thực vân tay được thực hiện theo các bước sau đây:

Bước 1: Người yêu cầu chứng thực nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền ở mục 2.3

Bước 2: Người thực hiện chứng thực kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu chứng thực và đưa ra các quyết định:

– Hồ sơ đầy đủ, các bên tự nguyện, minh mẫn, nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì hướng dẫn người yêu cầu công chứng điểm chỉ vân tay trước mặt mình.

– Hồ sơ không đầy đủ: Trả hồ sơ và yêu cầu bổ sung đầy đủ giấy tờ, tài liệu.

Bước 3: Người thực hiện chứng thực ghi lời chứng tương ứng với từng loại hợp đồng, giao dịch; ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu của cơ quan mình và ghi vào sổ chứng thực.

Thời hạn thực hiện chứng thực hợp đồng, giao dịch là không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ hoặc có thể kéo dài hơn theo thoả thuận của các bên bằng văn bản.

2.5 Mức thu phí chứng thực

Phí chứng thực dấu vân tay thực hiện theo Điều 4 Thông tư 226/2016/TT-BTC về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực cụ thể như sau:
– Chứng thực hợp đồng, giao dịch: 50.000 đồng/hợp đồng, giao dịch.

– Chứng thực sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch: 30.000 đồng/hợp đồng, giao dịch.

– Sửa lỗi sai trong hợp đồng, giao dịch đã chứng thực: 25.000 đồng/hợp đồng, giao dịch.