THAY ĐỔI VỀ TUỔI NGHỈ HƯU, BẢO HIỂM XÃ HỘI TỪ NĂM 2022

1. Tiếp tục điều chỉnh tuổi nghỉ hưu
 
Theo Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu được điều chỉnh hàng năm kể từ 2021, thêm ba tháng với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; thêm bốn tháng với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
 
Năm 2022, tuổi nghỉ hưu của lao động nam trong điều kiện làm việc bình thường sẽ là 60 tuổi 6 tháng và lao động nữ là 55 tuổi 8 tháng; thay vì lần lượt 60 tuổi 3 tháng và 55 tuổi 4 tháng như quy định hiện hành.
 
Tùy trường hợp, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định. Người được nghỉ hưu sớm diện này gồm lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại nằm trong danh mục quy định; người làm việc 15 năm trở lên ở vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
 
Ngược lại, lao động trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu muộn hơn, nếu đạt được thỏa thuận với người sử dụng lao động.
 
Tính đến cuối 2020, cả nước có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Hơn 3,1 triệu người trong số đó đang được hưởng lương hưu và bảo hiểm xã hội hàng tháng; 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí; còn hơn 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng các chính sách an sinh này.
 
2. Tăng năm đóng BHXH để hưởng lương hưu của nam
 
Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ 2022, số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu của lao động nam có sự điều chỉnh, muốn hưởng mức tối thiểu 45% phải đóng đủ 20 năm BHXH trở lên thay vì 19 năm như hiện hành. Còn muốn hưởng tỷ lệ tối đa 75%, lao động nam đóng đủ BHXH từ 35 năm, tăng thêm một năm so với 2021.
 
Quy định không áp dụng với lao động nữ. Người đóng đủ 15 năm BHXH hưởng mức lương hưu tối thiểu 45% và tối đa 75% với lao động nữ đóng đủ 30 năm. Mức hưởng tăng thêm 2% cho một năm đóng, ngược lại nghỉ hưu sớm trước tuổi bị trừ 2% mức hưởng, áp dụng với cả lao động nam lẫn nữ.
 
Đánh giá chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay còn nhiều bất cập, chưa phù hợp tốc độ già hóa dân số, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội dự kiến rút ngắn số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội tới đây.
 
Trong dự thảo lấy ý kiến lần đầu hồi tháng 6, ban soạn thảo đề xuất sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu, theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15, hướng tới 10 năm. Mức hưởng sẽ được tính toán phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được hưởng quyền lợi.
 
Cơ quan chuyên môn cho rằng quy định hưởng lương hưu hiện tại đang “quá chặt chẽ” và thời gian 20 năm quá dài khiến nhiều lao động không thể tích lũy số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Đó là một trong những lý do khiến nhiều lao động nản lòng, rời xa quỹ hưu trí. Về lâu dài, người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực đơn lẻ để bảo đảm an sinh, chăm sóc y tế.
 
Nếu vẫn giữ quy định hiện hành, diện bao phủ bảo hiểm xã hội sẽ không thay đổi đáng kể, trong khi mục tiêu đến năm 2030, cả nước có khoảng 60% lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.
 
3. Lao động nước ngoài có thể rút BHXH một lần
 
Từ 1/1/2022, Nghị định 143/2018 quy định lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc được rút một lần nếu có yêu cầu. Điều kiện là người đó đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc không tiếp tục cư trú tại Việt Nam; mắc bệnh nguy hiểm tính mạng theo quy định của Bộ Y tế; chấm dứt hợp đồng lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không tiếp tục gia hạn.
 
Trong vòng 10 ngày tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng, giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà người đó không tiếp tục làm việc hoặc gia hạn giấy phép thì có thể nộp hồ sơ để hưởng. Tối đa 5 ngày kể từ lúc nhận hồ sơ, cơ quan BHXH giải quyết thủ tục và chi trả tiền, nếu không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người lao động biết.
 
4. Mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất 330.000 đồng
 
Theo quy định hiện hành, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do người lao động lựa chọn, thấp nhất bằng chuẩn nghèo khu vực nông thôn từng giai đoạn và cao nhất bằng 20 lần tháng lương cơ sở.
 
Theo Nghị định 7/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, mức chuẩn nghèo từ đầu năm 2022 áp dụng với khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng mỗi tháng thay vì 700.000 đồng như hiện tại. Do đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng mỗi tháng.
 
Số tiền hỗ trợ hằng tháng của Nhà nước với người đóng BHXH tự nguyện cũng sẽ tăng lên, cụ thể với người thuộc hộ nghèo là 99.000 đồng; người thuộc hộ cận nghèo là 82.500 đồng và người thuộc nhóm khác là 33.000 đồng.
Nguồn: VnExpress
0 0 votes
Article Rating