Thuê lao động dưới 18 tuổi có phạm luật?

Cả hai bên trong quan hệ lao động đều có lợi khi doanh nghiệp có nhân lực và người lao động có thu nhập. Tuy nhiên, pháp luật có cho phép doanh nghiệp thuê người dưới 18 tuổi để làm việc?

Có được thuê người dưới 18 tuổi?

Pháp luật dân sự và pháp luật lao động đều ghi nhận người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi.
Do đó, theo Điều 162 Bộ luật Lao động 2012, chỉ được sử dụng người dưới 18 tuổi vào những công việc phù hợp với sức khoẻ, đảm bảo sự phát triển về thể lực, trí lực và nhân cách.

Đặc biệt, không được sử dụng họ làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc chỗ làm việc, công việc ảnh hưởng xấu tới nhân cách như mang vác vật vượt quá thể trạng, lặn biển, đánh bắt xa bờ, làm ở sòng bạc, vũ trường, quán bar…

Riêng những người từ đủ 13 – 15 tuổi chỉ được làm các công việc nhẹ như diễn viên múa, hát, điện ảnh; vận động viên năng khiếu bơi lội, cờ vua, cờ tướng; đan lát; thêu ren… Chi tiết tại Thông tư 11/2013/TT-BLĐTBXH.

Có thể thấy, pháp luật không cấm thuê người dưới 18 tuổi, tuy nhiên, chỉ khi đáp ứng đủ các điều kiện nêu trên thì doanh nghiệp mới được sử dụng những lao động này.

Lưu ý khi thuê người dưới 18 tuổi

Lao động dưới 18 tuổi được coi là lao động đặc thù do họ chưa có sự phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần. Do vậy, khi sử dụng, doanh nghiệp phải đảm bảo:

– Lập sổ theo dõi riêng, ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng năm sinh, công việc đang làm, kết quả những lần kiểm tra sức khoẻ định kỳ;

– Thời giờ làm việc của người từ đủ 15 – 18 tuổi không quá 08 giờ/ngày và 40 giờ/tuần, chỉ được làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm với một số nghề và công việc nhất định.

Thời giờ làm việc của người dưới 15 tuổi không quá 04 giờ/ngày, 20 giờ/tuần và không làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm.

– Không sử dụng để sản xuất và kinh doanh cồn, rượu, bia, thuốc lá, chất tác động đến tinh thần và các chất gây nghiện khác;

– Phải tạo cơ hội để người lao động được học văn hoá.

Ngoài ra, với những người dưới 15 tuổi, doanh nghiệp còn cần:

– Ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật và có sự đồng ý của chính người lao động;

– Bố trí giờ làm không ảnh hưởng đến giờ học;

– Bảo đảm điều kiện làm việc, an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với lứa tuổi.

(Điều 163 và Điều 164 Bộ luật Lao động 2012)

Trường hợp vi phạm, sẽ bị phạt

Bảo vệ lao động chưa thành niên là việc làm cần thiết. Do vậy, bất cứ doanh nghiệp, người sử dụng lao động nào vi phạm đều bị xử lý nghiêm. Cụ thể, theo Điều 19 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:

– Phạt cảnh cáo người sử dụng lao động không lập sổ theo dõi riêng khi sử dụng lao động dưới 18 tuổi hoặc không xuất trình sổ khi cơ quan Nhà nước có yêu cầu;

– Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng với người sử dụng lao động có hành vi:

+ Sử dụng người dưới 15 tuổi mà không ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật;

+ Sử dụng lao động dưới 18 tuổi làm việc quá thời giờ làm việc theo quy định;

+ Sử dụng người từ đủ 15 – 18 tuổi làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, trừ một số nghề, công việc được phép;

– Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng với người sử dụng lao động có hành vi:

+ Sử dụng người dưới 18 tuổi làm công việc, làm tại nơi bị cấm;

+ Sử dụng người dưới 15 tuổi làm công việc ngoài danh mục được phép.

Theo Luật Việt Nam

0 0 votes
Article Rating