Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định. Và trong quan hệ hôn nhân và gia đình, khi cha mẹ ly hôn với nhau sẽ phát sinh việc cấp dưỡng cho con.
Theo khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì: “Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.”
Theo đó, nghĩa vụ cấp dưỡng cho con là nghĩa vụ của cha, mẹ khi ly hôn. Sau khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng nuôi con đến khi thành niên (18 tuổi); nếu con thành niên mà không tự nuôi sống được bản thân do bị tàn tật hoặc không có năng lực hành vi dân sự thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có trách nhiệm cấp dưỡng không thời hạn. Điều này cũng được thể hiện rõ tại Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó. Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.
Về mức cấp dưỡng cho con, pháp luật quy định tại **khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014: “**Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Như vậy, pháp luật không quy định cụ thể mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng.
Hai bên thỏa thuận với nhau về mức cấp dưỡng. Khi không thể thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án sẽ căn cứ vào mức thu nhập của người cấp dưỡng, vì vậy mức cấp dưỡng thường không cao hơn mức thu nhập của người cấp dưỡng.
PHÁP LUẬT TOÀN DÂN _ TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ
Hotline/zalo: 0909 36 47 49
Địa chỉ trụ sở chính: 47-49 Lam Sơn, P.2, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
Văn phòng đại diện: 9D6 đường DN3, KDC An Sương, P. Tân Hưng Thuận, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh.
Website: phapluattoandan.com
Mail: info@phapluattoandan.com
Bạn cần tư vấn về vấn đề gì?