Mỗi cá nhân khi sinh ra đều có quyền được khai sinh. Khai sinh được hiểu là việc khai báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận một cá nhân được sinh ra. Đó là một trong những sự kiện hộ tịch nhằm xác định sự tồn tại của một cá nhân đối với xã hội. Việc đăng ký khai sinh, cấp giấy khai sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mang tính pháp lý đầu tiên chứng minh nhân thân của công dân từ khi sinh ra đến khi mất đi. Là cơ sở để xác minh quyền, nghĩa vụ của cá nhân đó trong các mối quan hệ xã hội. Trong đó, Giấy khai sinh là một chứng thư hộ tịch quan trọng ghi rõ họ, tên, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, họ và tên cha, mẹ người được khai sinh nhằm xác định nguồn gốc của cá nhân đó và phân biệt với những cá nhân khác trong xã hội.
Theo Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch quy định giá trị pháp lý của Giấy khai sinh như sau:
“1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.
- Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.
- Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.”
Vì việc đăng ký khai sinh mang nhiều ý nghĩa quan trọng và cần thiết, nên đối với những người có trách nhiệm đối với việc đăng ký khai sinh phải thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Trình tự và thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ được quy định cụ thể tại Mục 1 Chương II, Mục 1 Chương III Luật Hộ tịch 2014. Dựa và đối tượng khai sinh có yếu tố nước ngoài hay không để xác định thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ. Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người cha hoặc mẹ thực hiện đăng ký khai sinh cho trẻ em trong các trường hợp sau đây:
“1. Trẻ em được sinh ra tại Việt Nam:
- a) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
- b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước còn người kia là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- c) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- d) Có cha và mẹ là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch;
- Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:
- a) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;
- b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam.”
Trong những trường hợp còn lại, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.
Trong trường hợp 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Nếu trong trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều trường hợp cha, mẹ không thể đi khai sinh cho con vì lí do ốm bệnh, bị khuyết tật, bị bắt, tạm giam hoặc đang thi hành án phạt tù mà không còn ông bà và người thân thích khác hoặc những người này không có điều kiện để đăng ký khai sinh cho trẻ thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ tiến hành đăng ký khai sinh lưu động. Việc đăng ký khai sinh lưu động này còn căn cứ vào điều kiện thực tế của từng địa phương (Điều 14 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp).
Vậy nếu quá thời hạn 60 ngày thì đăng ký khai sinh có bị phạt?
Theo quy định tại Điều 37 Nghị định 82/2020/NĐ-CP nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp; hợp tác xã đã bỏ hình thức xử phạt cảnh cáo khi đăng ký khai sinh muộn. Nên việc thực hiện đăng ký khai sinh bị quá thời hạn theo quy định sẽ không bị phạt tiền.
Mặc dù khai sinh là quyền của mỗi cá nhân khi được sinh ra nhưng việc khai sinh vẫn phải đúng theo quy định của pháp luật. Sau khi xác định được thẩm quyền, người đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con. Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân. Ngay sau khi nhận đầy đủ giấy tờ, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định của pháp luật vào Sổ hộ tịch, cập nhật vào cơ sở dữ liệu điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và lấy số định danh cá nhân.
Dựa vào đó ta có thể thấy Giấy chứng sinh là loại giấy tờ quan trọng để thực hiện đăng ký khai sinh. Vậy nếu trong trường hợp không có Giấy chứng sinh thì phải làm thế nào?
Trường hợp bị mất, thất lạc Giấy chứng sinh, bố mẹ hoặc người thân thích của trẻ phải làm Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng sinh theo mẫu quy định kèm với đó cần có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng thôn về việc sinh và đang sinh sống tại địa bàn khu dân cư gửi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi đã cấp Giấy chứng sinh cho trẻ lần đầu (Thông tư số 17/2012/TT-BYT quy định cấp và sử dụng giấy chứng sinh).
Trường hợp trẻ sinh ra tại nhà, tại nơi khác mà không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì người thân thích của trẻ có trách nhiệm điền vào Đơn đề nghị cấp giấy chứng sinh theo mẫu quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BYT và nộp cho trạm y tế xã, phường để xin cấp giấy chứng sinh cho trẻ. Tuy nhiên, khi không xác minh được trẻ có sinh ra tại địa phương thì trạm y tế xã, phường sẽ không cấp Giấy chứng sinh cho trẻ. Lúc này người đăng ký khai sinh muốn đăng ký khai sinh cho trẻ, phải nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật (khoản 1 Điều 16 Luật hộ tịch 2014).
Pháp luật không quy định cụ thể và chi tiết về việc người làm chứng cho việc sinh là những ai và các điều kiện làm chứng như thế nào thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận và thực hiện đăng ký khai sinh, nên trường hợp thực tế nhiều người cảm thấy lúng túng, khó khăn và tùy vào từng địa phương mà người dân được hướng dẫn về thủ tục trong trường hợp này sẽ khác nhau. Vì vậy để việc khai sinh cho trẻ có khả năng cao được cơ quan hộ tịch chấp nhận trong trường hợp này, người đăng ký khai sinh cho trẻ chuẩn bị văn bản văn bản xác nhận của người thân thích của đứa trẻ đối với việc sinh có xác nhận của tổ trưởng tổ dân phố hoặc trưởng thôn, Giấy cam đoan về việc sinh và có thể kèm theo kết quả xét nghiệm ADN cho xác minh về quan hệ mẹ con.
Bạn cần tư vấn về vấn đề gì?