LY HÔN ĐƠN PHƯƠNG THÌ QUYỀN NUÔI CON THUỘC VỀ AI?

Ly hôn đơn phương là trường hợp một bên vợ hoặc chồng nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết cho ly hôn. So với thuận tình ly hôn, vợ và chồng cùng đồng ý ly hôn và thỏa thuận được với nhau về vấn đề nuôi con (nếu có con chung), phân chia tài sản chung, giải quyết nợ chung, thì ngược lại ly hôn đơn phương lại thường xảy ra tranh chấp về các vấn đề trên. Trong đó, khi cha mẹ không thỏa thuận được ai là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về vấn đề con chung thì có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhiều người cho rằng, việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái là việc của người mẹ hay có những ý kiến khác lại cho rằng, giữa cha và mẹ ai có điều kiện kinh tế hơn thì được quyền nuôi con.

Tuy nhiên, khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp về quyền nuôi con, Tòa án sẽ dựa vào quy định của pháp luật để quyết định người trực tiếp nuôi dưỡng con chung.

Tòa án giải quyết căn cứ vào độ tuổi, ý muốn của con cùng với điều kiện kinh tế của cha mẹ.

  • Con dưới 36 tháng tuổi:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì con được giao cho mẹ trực tiếp nuôi (trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con).

Ở độ tuổi này thì con cần sự chăm sóc của mẹ nhiều nhất. Vì vậy, pháp luật ưu tiên quyền nuôi dưỡng thuộc về người mẹ. Tuy nhiên, trong trường hợp người cha chứng minh được người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp nuôi con thì Tòa án vẫn có thể giao con cho người cha trực tiếp nuôi con.

  • Con từ đủ 36 tháng tuổi trở lên:

Tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định: “Vợ, chồng thảo thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”. Theo đó, Tòa án sẽ xét về nhiều mặt khác nhau không chỉ là vấn đề kinh tế, còn những yếu tố khác tác động đến con. Dù như thế nào thì Tòa án vẫn lựa chọn được người phù hợp nhất để trực tiếp nuôi dưỡng.

Việc lấy ý kiến của con từ 07 tuổi trở lên thì ý kiến của con muốn ở với cha hoặc mẹ không quyết định thực tế con ở với ai. Ý kiến của trẻ là một phần căn cứ để Tòa xem xét bên cạnh những yếu tố khác.

Khi Tòa án xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp để nuôi con thì Tòa án quyết định giao con người giám hộ, bao gồm các trường hợp:

** Người giám hộ đương nhiên cho con chưa thành niên (Điều 52 Bộ luật dân sự 2015)

— Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không đủ điều kiện thì người anh, chị ruột tiếp theo;

— Trường hợp không có anh, chị ruột thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ;

— Trường hợp không có người giám hộ như các đối tượng nêu trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

** Người giám hộ được cử ,chỉ định (khoản 1 Điều 53 Bộ Luật dân sự 2015): trong trường hợp không có người giám hộ đương nhiên, thì UBND cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ. Hoặc có người giám hộ đương nhiên nhưng có xảy ra tranh chấp về người giám hộ hoặc tranh chấp về việc cử giám hộ thì Tòa án chỉ định người giám hộ.

Bên cạnh đó, khi cử người giám hộ cho con từ 06 tuổi trở lên thì cần xét đến nguyện vọng của con.

PHÁP LUẬT TOÀN DÂN _ TỔNG ĐÀI TƯ VẤN LUẬT MIỄN PHÍ
Hotline/zalo: 0909 36 47 49
Địa chỉ trụ sở chính: 47-49 Lam Sơn, P.2, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh.
Văn phòng đại diện: 9D6 đường DN3, KDC An Sương, P. Tân Hưng Thuận, Quận 12, TP. Hồ Chí Minh.
Website: phapluattoandan.com
Mail: info@phapluattoandan.com

0 0 votes
Article Rating